Hướng dẫn kỹ thuật trồng măng tây Nhật Bản từ bộ rễ 1 năm tuổi

 

Măng tây ưa thích nhiệt độ mát mẻ. Những thân non mọc lên từ mặt đất được thu hoạch và ăn. Nếu bạn để thân cây non phát triển, nó sẽ đâm nhánh và phát triển thành cây mẹ, dự trữ chất dinh dưỡng trong bộ rễ. Chất dinh dưỡng dự trữ sẽ dùng để phát triển thân cây năm sau, vì vậy không nên thu hoạch trong vòng 1 đến 2 năm sau khi trồng để rễ dự trữ dày lên. Sau đó, bạn có thể thu hoạch hàng năm. Nếu để thân và lá mọc dày và tích trữ chất dinh dưỡng thì có thể thu hoạch tới 10 năm. Thật hiếm có loại rau nào như vậy.

  1. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ CÂY MĂNG TÂY

1.1. Xuất xứ giống

Những bộ rễ được ươm từ hạt giống măng tây Nhật Bản. Chúng từ 1-2 năm tuổi, có chiều dài rễ khoảng 30-40 cm.

Nhận bộ rễ nên trồng ngay. Nếu chưa trồng được luôn, cần cho bộ rễ ra khỏi hộp, để chỗ râm mát, xịt nước giữ ẩm hàng ngày. Nên trồng luôn hoặc tối đa 3 ngày (trong điều kiện bảo quản tốt) sau khi nhận hàng để chất lượng được tốt nhất.

Măng tây Nhật Bản cho năng suất cao, chất lượng cao, dễ trồng nên ngay cả những người mới bắt đầu cũng có thể trồng. Giống măng này phù hợp với khí hậu Việt Nam và phù hợp với nhiều kỹ thuật canh tác khác nhau. Bạn có thể:

  • Trồng trên đồng ruộng ở những nơi có khí hậu mát mẻ

  • Trồng trong nhà màng ở những nơi nóng ẩm mưa nhiều

  • Trồng tại sân vườn gia đình gia đình

  • Trồng trong chậu

Măng tây có thể trồng ở bất cứ đâu, miễn là bạn hiểu về đặc điểm sinh trưởng của cây và cung cấp cho nó những thứ cần thiết.

1.2. Giá trị dinh dưỡng

Măng tây là một loại rau cao cấp, có hàm lượng dinh dưỡng khá cao, gồm 83% nước và 17% chất khô; trong đó có 2,2% đạm protein, 1,2% đường glucid, 0,6% chất xơ cellulose và 21% các chất khoáng như Mg, K, Ca, Zn,…

Ngoài ra, măng tây còn có tác dụng chống lão hóa, chống béo phì, làm giàu sữa mẹ và đặc biệt là giảm lượng cholesterol trong máu, giúp ổn định huyết áp

1.3. Đặc điểm sinh trưởng

Măng tây thuộc cây trồng lâu năm, có tuổi thọ từ 25-30 tuổi. Đặc biệt thích hợp với vùng khí hậu nhiệt đới có nhiệt độ trung bình 20°C - 30°C.

Măng tây là cây ưa ánh sáng, trồng ở nơi bị che lợp, hiệu suất quang hợp thấp, cây măng sinh sản kém, năng suất măng sẽ giảm. Chúng có khả năng chịu hạn tốt nhưng trong giai đoạn sinh sản, cần phải cung cấp đủ nước, đảm bảo độ ẩm 60-70% để chất lượng cũng như sản lượng măng thu hoạch được tăng cao. Đất trồng càng tơi xốp giàu dinh dưỡng hữu cơ, vi sinh có ích thì mầm măng tây càng có chất lượng tốt.

  1. CÁC YẾU TỐ QUAN TRỌNG ĐỂ TRỒNG MĂNG TÂY THÀNH CÔNG

Trồng đúng yêu cầu ngoại cảnh của giống sẽ giúp bạn thành công.

2.1. Thời vụ trồng

Nhiệt độ thích hợp cho cây măng tây phát triển từ 20-30°C. Tuy nhiên đối với người trồng tại sân vườn hoặc trồng chậu, có thể trồng bất cứ lúc nào, chỉ cần tránh những đợt thời tiết lạnh giá dưới 14 độ C. Nếu thời tiết trên 30 độ C, bạn cần che phủ, làm mát cho cây.

2.2. Ánh sáng

Măng tây là cây ưa ánh sáng, trồng măng tây ở nơi bị che lợp, hiệu suất quang hợp thấp, cây măng sinh sản kém, năng suất măng sẽ giảm. Thời gian chiếu sáng thích hợp là > 7-8 giờ/ ngày. Mùa nắng phải có đủ nước tưới để giữ đều độ ẩm 60-70% trong chân đất trồng… Thiếu nắng cũng là nguyên nhân khiến nấm bệnh phát triển, sức sống cây bị ảnh hưởng.

2.3. Đất trồng

Măng tây sinh trưởng mạnh trên đất trồng tơi xốp giàu dinh dưỡng, pH 6,5 -7,5. Bộ rễ măng tây ăn sâu đến 2m vì vậy, chiều dày tầng canh tác phải trên 1,5m. Đất phải tiêu nước tốt, không ngập úng vào mùa mưa. Đất phù sa ven sông, đất thịt nhẹ, đất cát ven biển được xem là những loại đất phù hợp để trồng măng tây.

2.3.1. Cải tạo đất khi trồng sân vườn

Làm đất sạch cỏ dại, cày xới cho tơi xốp. Đất phải được cải tạo bằng phẳng, hệ thống thoát nước tốt, tránh ngập úng. Măng tây không chịu ngập được quá 24h. Sau thời gian đó, bộ rễ bị ngập úng, gây thối rễ.

Bón lót phân bò ủ hoai. Làm luống cao 30cm nếu vùng đất trũng và ngập nước. Trộn vi sinh (trichoderma) phòng bệnh với đất trồng.

Lưu ý, cần làm sạch cỏ dại trong suốt quá trình trồng cây, cây nhận đủ ánh nắng trực tiếp từ 7-8h/ngày, không bị che bóng bởi các cây khác. Không dẫm lên luống sau khi trồng vì làm đất nén lại, chặt hơn và ảnh hưởng đến bộ rễ.

2.3.2. Công thức trộn giá thể trồng chậu

  • Chọn kích thước chậu: Chiều cao > 40cm, đường kính chậu > 40cm. Đổ đất khoảng 80% thể tích chậu

  • Chọn chất liệu chậu: Chậu gỗ là tốt nhất cho bộ rễ, hoặc chậu nhựa, thùng xốp 

  • Công thức trộn giá thể: Chậu cần có lỗ thoát nước. Đất trộn theo công thức: đất cát - phân bò ủ hoai - xơ dừa (hoặc trấu tươi) theo tỉ lệ 2:2:1.

  1. CÁCH TRỒNG BỘ RỄ MĂNG TÂY

Bộ rễ măng tây trông hơi kỳ lạ, dài và lớn giống như chân nhện, thậm chí có thể trông như đã khô héo. Nhưng nếu bạn trồng chúng xuống đất thì chúng sẽ mọc lên ngọn măng mới nhanh chóng.

Nếu bộ rễ trông hơi héo, hãy ngâm chúng trong xô nước để bù nước trước khi trồng. Khoảng 20-30 phút là phù hợp. Ngâm quá 1h có thể khiến bộ rễ ngập nước quá lâu, gây thối rễ.

Khi trồng, trải đều bộ rễ ra xung quanh, mỗi bộ rễ cách nhau khoảng 30cm

Hãy chắc chắn rằng bộ rễ hướng lên trên, đó là cái núm nhỏ nằm phía trên rễ, đó là nơi măng tây sẽ phát triển. Đôi khi tại chỗ núm nhỏ nhô lên đó, đã có những ngọn măng nhỏ mọc lên.

Đặt bộ rễ vào hố trồng, giữ cây thẳng đứng, mặt bầu ngang với mặt đất trồng. Trải lớp đất mặt dày khoảng 5-10cm cho những gốc măng để bảo vệ cổ rễ. Ưu tiên đất mùn để đảm bảo độ nhẹ, phù hợp trồng chậu và khả năng giữ ẩm tốt góp phần làm mát gốc cây.

 

Trồng bộ rễ ở độ cao sao cho mầm chồi ngang mặt đất, phủ thêm đất mùn khoảng 10cm, che phủ bằng rơm khô (nếu trồng vào ngày thời tiết nắng nóng)

 

Thân măng tây rất mềm yếu, tán lá rộng cành dài rất dễ đổ ngã. Sau khi trồng, cắm 1 cọc tre cạnh gốc, buộc nhẹ vào thân cây để giúp cây con không bị gió làm đổ rạp. Khi cây được tầm 3 tháng, xuất hiện nhiều cây con mới, cắt bỏ các thân cây già, yếu và bị bệnh. Có thể chăng dây theo chiều dọc chậu để đỡ hàng cây. Hoặc làm  trụ đứng xung quanh từng cây, giúp tán có thể xòe đều và nhận được nhiều ánh sáng nhất có thể.

  1. CHĂM SÓC CÂY SAU KHI TRỒNG

4.1. Phân bón

Bón bổ sung phân bón hữu cơ hoặc phân mùn khoảng 10-15 ngày/lần. Bón lượng vừa đủ trực tiếp quanh gốc, phân mùn là loại phân tan chậm, ưu điểm không làm xót rễ và cung cấp dinh dưỡng cho cây từ từ, theo đúng nhu cầu của cây. Phân mùn còn giúp đất tơi xốp và ngày càng giàu dinh dưỡng – điều mà các loại phân hóa học không thể làm được, do đó càng về sau lượng phân cần bổ sung càng giảm.

Những năm sau, bạn bón phân vào đầu mùa xuân, trước khi những chồi đầu tiên xuất hiện và sau mỗi đợt thu hoạch, bón bổ sung phân mùn giúp cây nhanh lại sức. Điều này giúp lá cây phát triển tươi tốt và khỏe mạnh, từ đó khuyến khích sản lượng lớn vào mùa thu hoạch sau.

Lưu ý: Không bón phân bổ sung khi cây đang bị bệnh nặng bởi lúc này cây đang bị căng thẳng. Tập trung chữa bệnh hoàn toàn sau đó mới quay lại bổ sung dinh dưỡng cho cây.

4.2. Tưới nước

Măng tây cần tưới nước thường xuyên để duy trì độ ẩm ở mức 60-70%. Nếu trồng ở đất, khi cây trưởng thành sẽ trở nên chịu hạn khá tốt và thường phát triển tốt nhờ lượng mưa là nguồn nước duy nhất (trừ khi bạn sống ở nơi có khí hậu khô, nóng thì sẽ phải tưới thêm nước). Nếu trồng chậu, bạn cần tưới nước thường xuyên để duy trì độ ẩm thích hợp như trên.

Nước là yếu tố quan trọng quyết định năng suất và chất lượng măng nhưng 93% nước được dùng để tản nhiệt làm mát gốc, chỉ 7% được dùng để nuôi cây. Do đó nhiệm vụ giữ mát gốc còn cần thiết hơn cả tưới nước. Bởi nếu nắng nóng quá, bộ rễ cây sẽ kém phát triển, quá trình tự làm mát khắc nghiệt dẫn tới yếu cây. 

Tưới nước quá nhiều thì có nguy cơ bị nấm bệnh. Có thể trồng kết hợp trồng dưới gốc măng các loại rau và thảo mộc, giúp che phủ và làm mát đất hiệu quả.

Lưu ý: Chồi măng sinh sôi và phát triển chủ yếu vào ban đêm. Vì vậy không được tưới nước cho cây măng tây sau 17h chiều mỗi ngày, vì tưới nước (hoặc nước trời mưa to vào buổi tối nếu có) sẽ làm cong vẹo đầu chồi măng, làm ảnh hưởng , ức chế việc sinh sôi nảy nở các chồi măng vào buổi tối hôm đó, làm giảm hoặc mất sản lượng măng vào ngày hôm sau. Chỉ nên tưới nước cho cây măng tây vào các buổi sáng sớm mỗi ngày, sau khi đã thu hoạch xong lứa măng hàng ngày vào mỗi buổi sáng.

4.3. Chăm sóc giai đoạn cây phát triển

  • Trong 4-5 tháng đầu, định kỳ 15 ngày lại tỉa bớt cây yếu, cây già và cây bị sâu bệnh để luôn giữ cho bụi măng chỉ có 4-6 cây mẹ khỏe mạnh.

  • Tỉa bớt cành lá phát sinh ở phần gốc khoảng 40-50cm để thông thoáng gió phòng tránh bệnh hại cho cây.

  • Trồng cây trong chậu đã hạn chế rất nhiều việc phải làm cỏ. Bạn có thể phủ gốc bằng rơm, trấu hay vỏ lạc để ngăn chặn cỏ cũng như làm mát đất, nhưng phải chắc chắn vật liệu của bạn đã được xử lý mầm bệnh.

4.4. Chăm sóc giai đoạn thu hoạch

  • Từ tháng thứ 5 sau khi trồng, đường kính gốc cây mẹ lúc này đạt >10mm. Khi lá cây chuyển màu xanh đậm là dấu hiệu cho thấy cây sắp đến thời kỳ cho măng thu hoạch thì chọn giữ lại 2-3 cây mẹ khỏe mạnh.

  • Nếu muốn cây phát triển nhanh và nhiều chồi, cần tiến hành cắt hạ bớt ngọn cây ở độ cao 1,2m để giúp gốc cây mẹ phình to, tăng thêm lượng cành lá quang hợp cho cây, kích thích việc trổ măng giúp cây tăng năng suất và chất lượng măng. 

  • Duy trì độ ẩm ở mức 60-70% để măng ngọt, mềm với năng suất và chất lượng cao.

4.5. Chăm sóc giai đoạn cây nghỉ (dưỡng cây)

  • Chồi măng phát triển không phải nhờ dinh dưỡng mà bạn đang cung cấp hàng ngày mà nhờ năng lượng đã tích trữ được từ giai đoạn trước đó. Nên chăm sóc cây trong giai đoạn nghỉ là yếu tố quyết định năng suất cây măng ở lứa thu hoạch sau.

  • Trong giai đoạn dưỡng cây, bạn không phải tưới nước nhiều, lúc đó cây sẽ ưu tiên cung cấp nước và dưỡng chất để nuôi bộ rễ thay vì phát triển chồi măng và lá. Điều này giúp bộ rễ  – trung tâm lưu trữ - tích đủ chất dinh dưỡng để cung cấp cho các mầm măng mùa sau.

  • Không thu măng trong giai đoạn nghỉ. Nên thu hoạch thời giai đoạn thu 4 tuần - nghỉ 4 tuần và lặp lại như vậy suốt mùa thu hoạch.

  1. CÁC LOẠI SÂU BỆNH HẠI THƯỜNG GẶP

5.1. Phòng bệnh

Với măng tây thì nên phòng bệnh hơn chữa bệnh, vì khi bệnh thể hiện ra đến lúc mắt thường nhìn thấy thì cây đã mang đủ thiệt hại rồi, bộ rễ đã bị tổn thương. Đôi khi còn không thể điều trị hoàn toàn buộc phải bỏ cả cây để ngăn bệnh phát tán. Nên phòng bệnh là việc làm rất cần thiết. Tiến hành đồng bộ các giải pháp sau đây:

  • Chọn giống măng tây phù hợp với khí hậu nơi trồng, giống khoẻ, kháng bệnh tốt, cây giống khoẻ mạnh (giống măng tây Nhật Bản phù hợp nhất với điều kiện khí hậu tại Việt Nam nên dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc

  • Làm đất kỹ, xử lý đầy đủ các loại thuốc diệt tuyến trùng và các chế phẩm sinh học để phòng trừ nấm, bệnh hại còn tồn tại trong đất.

  • Đảm bảo đất tơi xốp và thoát nước tốt. Vào mùa mưa kéo dài nên có phương án che mưa cho chậu măng tây.

  • Sử dụng nhiều phân hữu cơ để giúp đất khỏe mạnh, rễ cây không bị xót khi tiếp cận phân, nâng cao sức khỏe và sức đề kháng tự nhiên của cây.

  • Phun phòng bệnh bằng các chế phẩm sinh học tự nhiên, an toàn trong thời gian cây nghỉ dưỡng để chuẩn bị tốt nhất cho mùa thu hoạch sau đó. Phun phòng 7 ngày/lần với các chế phẩm sinh học (như tỏi ớt)

5.2. Các bệnh thường gặp

Trong thời kỳ thu hoạch nếu cây bị bệnh nặng, cần tiến hành cắt bỏ hoàn toàn, xử lý thuốc trị bệnh, sau đó bón phân tái tạo lại cây mới để cây có thể hồi phục và phát triển cho năm tiếp theo.

  • Bệnh hại măng tây: vào mùa mưa măng tây rất dễ bị các bệnh như thán thư, mốc sương, phấn trắng, thối rễ thối măng.

  • Sâu hại măng tây: các loại sâu đất, sâu khoang, sâu xanh, sâu ăn lá, bọ trĩ, rệp là những thủ phạm cắn hại cây măng thường gặp.

Cách xử lý: 

  • Với các loại sâu hại, bạn có thể theo dõi và bắt bằng tay – đây là cách xử lý an toàn nhất đối với cây và môi trường.

  • Nếu bệnh nhẹ có thể xịt các dung dịch tự pha tại nhà như hỗn hợp baking soda để trị phấn trắng, dung dịch tỏi ớt để xua đuổi các loại bọ…

  • Khi tình hình bệnh trở nặng, bạn buộc phải sử dụng đến các thuốc trừ sâu bệnh chuyên dụng. Lưu ý, tìm mua các loại có nguồn gốc thảo mộc và vi sinh nhằm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho măng tây, an toàn đối với đất và an toàn cho sức khỏe của bạn.

  1. THU HOẠCH

Khác với các loại rau thông thường, khi rau đủ độ phát triển thì tiến hành hái/nhổ là xong. Thu hoạch măng tây cần có kiến thức và kinh nghiệm để đảm bảo cây có thể sống tốt và tiếp tục cho mầm măng trong các năm tiếp theo.

6.1 Thời điểm thu hoạch

  • Từ khi trồng bộ rễ đến khi thu hoạch khoảng 3-4 tháng tùy giống và điều kiện chăm sóc. Sau trồng 1 tháng có thể xuất hiện măng rồi nhưng trong 4 tháng không nên thu mà để phát triển, giúp tích trữ dinh dưỡng và nâng cao sức sống cho cây. Chỉ tỉa bỏ cây xấu và cây bệnh.

  • Sau 4 tháng có thể thu hoạch măng trong vòng 1 tháng, CHÚ Ý chỉ thu những cây măng nhỏ hơn cây mẹ, chồi lớn để lại thay thế cây mẹ. Tiếp đó cho cây nghỉ dưỡng 1 tháng. Đến tháng thứ 6 thì thu hoạch bình thường.

  • Thông thường có thể thu hoạch liên tục trong vòng 3 tháng rồi nghỉ 1 tháng để dưỡng cây. Như vậy từ năm thứ 2 trở đi, mỗi năm bạn có 3 đợt thu hoạch măng tây. Nhưng khi thấy cây mẹ sắp chuyển lá vàng (lão hóa) thì ngưng thu hoạch ngay, chọn giữ lại 4-6 chồi măng khỏe mạnh làm cây mẹ thay thế (trẻ hóa) tỉa bỏ cây nhỏ, cây mẹ già và cây sâu bệnh.



6.2 Thời gian thu hoạch

Măng tây nên được thu hoạch từ 5h30-8h sáng mỗi ngày trước khi mặt trời mọc và chưa được tiếp xúc với ánh nắng, sau khi thu phải được đem ngay vào nơi thoáng mát.

Chọn chồi măng đã đạt chiều cao 20cm trở lên, dùng tay nắm chặt gốc chồi măng, nghiêng 30-45 độ giật nhẹ, chồi măng sẽ tách rời rễ trụ 1 cách dễ dàng.

6.3 Bảo quản măng tây

Măng tây sau khi thu hoạch được chế biến luôn sẽ giữ được hương vị và dinh dưỡng đầy đủ nhất. Nếu bạn chưa dùng luôn, bảo quản đúng cách thì có thể giữ được măng tây tươi ngon trong ngăn mát tủ lạnh lên tới 1 tuần.

Luôn bảo quản theo chiều đứng với phần ngọn hướng lên trên giống như khi trồng trong chậu, thay vì nằm ngang, điều này sẽ giúp măng tây không bị mất đi độ tươi.

Măng tươi hái trong ngày không cần cắt gốc, không rửa, cắm vào ly có chứa 3-6cm nước sạch, dùng 1 túi nilon chụp lên đầu măng, để vào ngăn mát tủ lạnh. 

6.4 Cách chế biến

Cắt bỏ phần gốc già trước khi đem măng tây đi chế biến. Nhưng đừng vội vất chúng đi, hãy tận dụng phơi làm trà uống – rất thơm ngon và bổ dưỡng.

Có nhiều cách để chế biến măng tây như là làm súp, xào cùng bơ tỏi hoặc các loại thịt, tùy vào khẩu vị gia đình bạn. Nhớ là không nên nấu quá kĩ, để giữ trọn vẹn độ tươi ngon và dinh dưỡng của măng.

  1. NHỮNG VẤN ĐỀ THƯỜNG GẶP

7.1. Thân măng bị vàng úa

Đây là dấu hiệu của việc cây đã không còn chất dinh dưỡng, có thể do sâu bệnh hoặc do cây mẹ đã đến đoạn lão hóa. Kiểm tra để xem cây có đang bị vấn đề về sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Cắt bỏ hoàn toàn để dồn dinh dưỡng cho những mầm mới phát triển và thay thế.

7.2 Tại sao thân măng lại bị cong?

 Mưa liên tục hoặc lượng nước tưới quá nhiều khiến cho cây măng bị cong vẹo. Hãy thực hiện biện pháp che chắn cho chậu măng của bạn khi mùa mưa tới. Và chỉ tưới khi đất trong chậu có dấu hiệu khô. Măng có khả năng chịu hạn nhiều ngày liền, quan trọng là gốc phải được giữ mát.

7.3. Vì sao mầm măng tây ngày càng gầy?

Măng tây có xu hướng trở nên mỏng hơn sau khi phân chia ,nhưng nếu không đúng như vậy thì có thể là do bón phân không đủ. Ngoài ra, nếu cỏ dại không được chăm sóc, chất dinh dưỡng sẽ đi vào cỏ dại và măng tây có thể không nhận đủ chất dinh dưỡng.

Đầu tiên, loại bỏ tất cả cỏ dại. Vì là loại rau cần nhiều dinh dưỡng hữu cơ nên hãy xem xét lại lượng phân bón bổ sung. Khi mùa thu hoạch bắt đầu và chồi bắt đầu xuất hiện, chúng tôi khuyên bạn nên tăng lượng phân bón bổ sung lên khoảng hai tuần một lần.

7.4. Tại sao đầu măng bị bung ra ngay cả khi mới nhú?

Đấy là dấu hiệu của việc bộ rễ đang bị quá tải bởi nhiệt độ, nên nó phải nhanh chóng cho thân mới phát triển cành lá để tản nhiệt. Theo dõi tiếp bạn sẽ thấy mầm măng đó dù mới mọc nhưng ngay sau đó phát triển cành lá thành cây con mới. Việc đó khiến cây bị mệt và yếu dần. Hãy trồng các cây đồng hành tầng thấp hoặc phủ 1 lớp đất mùn để giúp giữ mát cho gốc.

7.5. Tại sao sau khi trồng không xuất hiện mầm măng tây?

Điều đó có nghĩa là cây măng chưa tích đủ năng lượng và chưa sẵn sàng để sinh sản. Thường sau từ 4-6 tháng, cây măng mới xuất hiện những mầm đầu tiên. Nếu bạn đã bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho đất, thì hãy tiếp tục chờ đợi, khi nào cây tích trữ đủ năng lượng thì mầm non sẽ xuất hiện.

Kiểm tra lớp đất phủ của bạn có bị dày quá không, điều đó gây khó khăn cho mầm măng non khi chồi lên.

 

Kỹ thuật ươm hạt măng tây cho trang trại sản xuất

Đọc thêm

Măng tây có thể được ươm theo nhiều cách. Tuỳ thuộc vào cơ sở hạ tầng, chất lượng hạt giống, kỹ thuật của người ươm, có thể linh hoạt lựa chọn ươm theo nhiều cách khác nhau.

Social